Cục QLTT tỉnh Quảng Bình: Thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,6 tỷ đồng trong tháng 10/2024
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các Phòng chuyên môn nghiệp vụ và các Đội QLTT trực thuộc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Kết quả trong tháng 10/2024, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra 77 vụ, phát hiện 50 vụ vi phạm, đã xử lý 46 vụ vi phạm (08 vụ đang trong quá trình xử lý). Tổng số tiền xử phạt VPHC, tiền bán hàng tịch thu, giá trị tang vật bị tịch thu, giá trị tang vật buộc tiêu hủy là 1.986.281.000 đồng; số tiền nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 1.638.938.000 đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, tổng số tiền thu nộp NSNN của Cục QLTT tỉnh Quảng Bình trên 10,6 tỷ đồng, đạt 236% chỉ tiêu được giao trong năm 2024.
Bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý VPHC, Cục Quản lý thị trường luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được Cục Quản lý thị trường thực hiện với nhiều hình thức như tổ chức hội nghị tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm...; thực hiện đăng tải các tin bài về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên Trang thông tin điện tử của Cục...
Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cũng đã chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng trên địa bàn, đồng thời làm tốt công tác thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh.
Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Bình tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác quản lý địa bàn để nắm bắt tình hình, thu thập thông tin về đối tượng, phương thức, thủ đoạn để kiểm tra và xử lý. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức công vụ; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức toàn đơn vị./.